Tư vấn trực tuyến


08 88 039 123 - Ms Ngọc

090 23 24 838 - Mr Quang

Bản tin thuế tháng 09 năm 2013

BẢN TIN THUẾ THÁNG 9
(Thực hiện bởi Công ty Bkav)

 

I.     Một số thay đổi trong hệ thống kê khai, nộp tờ khai thuế qua mạng của Bkav

Với mục đích thuận tiện cho khách hàng trong sử dụng dịch vụ kê khai, nộp tờ khai thuế qua mạng. Bkav đã quy hoạch lại hệ thống tài liệu, hướng dẫn và danh sách phần mềm trên website dịch vụ chữ ký số Bkavca.vn và dịch vụ kê khai, nộp tờ khai thuế qua mạng Noptokhai.vn. Cụ thể như sau:
-  Phân chia các nhóm chủ đề trong trang Hướng dẫn, bao gồm: hướng dẫn đối với khách hàng lần đầu kê khai qua mạng, hướng dẫn gửi các loại tờ khai (tháng, quý, năm), các hướng dẫn liên quan đến Chữ ký số….
-  Thay đổi giao diện sử dụng trang Tải về, bao gồm: những phần mềm quan trọng phục vụ cho việc kê khai, hệ thống tài liệu đăng ký và thông tin giới thiệu dịch vụ.

II.     Hàng loạt ưu đãi thuế cho doanh nghiệp

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế TNDN và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến nhân dân, có khá nhiều điểm mới nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hút và khuyến khích đầu tư.

Theo Dự thảo Nghị định, có khá nhiều quy định nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hút và khuyến khích đầu tư như sau:

  • Thứ nhất, doanh nghiệp được giảm nghĩa vụ thuế: Điều này thể hiện ở việc điều chỉnh giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống 22% từ 1/1/2014, đồng thời quy định lộ trình áp dụng thuế suất 20% từ 1/1/2016. Theo đó từ năm 2016 mức thuế suất phổ thông chỉ còn 20%, đây là mức thuế suất khá cạnh tranh so với khu vực và thế giới. Bên cạnh đó còn bổ sung quy định các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 20% từ 1/7/2013 nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa có điều kiện tăng tích tụ, tích luỹ tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao được năng lực cạnh tranh.
  • Thứ hai, mở rộng diện ưu đãi thuế và điều chỉnh nâng mức độ miễn giảm, ưu đãi thuế, đặc biệt đối với hợp tác xã, các địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, các lĩnh vực cần thu hút đầu tư, ví dụ như:

-  Bổ sung vào diện được miễn thuế TNDN đối với: Thu nhập của hợp tác xã trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp ở địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn hoặc ở địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ở địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; thu nhập từ hoạt động đánh bắt hải sản; thu nhập từ thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao của các các quỹ tài chính Nhà nước và quỹ khác của Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận; phần thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế và lĩnh vực xã hội hóa khác để lại để đầu tư phát triển cơ sở đó theo quy định của luật chuyên ngành về lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế và lĩnh vực xã hội hóa khác; phần thu nhập hình thành tài sản không chia của hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã…
-  Bổ sung vào diện ưu đãi thuế ở mức cao đối với: Lĩnh vực công nghệ cao; lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học; bảo vệ môi trường; thu nhập của doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao; thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư có quy mô lớn, ảnh hưởng lớn tới KT-XH…
-  Bổ sung ưu đãi đối với đầu tư mở rộng, theo đó trường hợp doanh nghiệp có dự án đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi TNDN thì được hưởng ưu đãi thuế (thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng bằng với thời gian miễn thuế, giảm thuế áp dụng đối với dự án đầu tư mới trên cùng địa bàn, lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN).
-  Bổ sung ưu đãi thuế đối với Khu công nghiệp (KCN), theo đó thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại KCN (trừ KCN thuộc địa bàn có điều kiện KT-XH thuận lợi) được miễn thuế 2 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo…

  • Thứ ba, sửa đổi đối tượng ưu đãi căn cứ theo “dự án đầu tư” nhằm phù hợp với thực tiễn và nhất quán với quy định của Luật Đầu tư, qua đó diện ưu đãi thuế cũng sẽ được mở rộng khá nhiều. Các nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên đều nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất kinh doanh, phù hợp với xu thế cải cách thuế của thế giới và bảo đảm lộ trình của Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020; đồng thời cũng đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cho công tác quản lý thuế và việc hiện đại hoá quản lý thuế.
 (Nguồn: baodientuchinhphu; Xem chi tiết tại đây)

III.     Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn giảm thuế TNDN và GTGT

Ngày 13/08/2013, Chính phủ ban hành Nghị định 92/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng có hiệu lực từ ngày 01/07/2013. Theo đó:

  • Hướng dẫn áp dụng thuế suất 20% đối với các DN có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ:

-Tổng doanh thu năm làm căn cứ xác định đối tượng được hưởng mức thuế suất này là tổng doanh thu của năm trước liền kề.
Trường hợp DN có tổng thời gian hoạt động từ khi thành lập đến hết kỳ tính thuế năm 2012 không đủ 12 tháng hoặc lớn hơn 12 tháng, DN mới thành lập trong 6 tháng đầu năm 2013 thì sẽ không căn cứ mức tổng doanh thu năm (20 tỷ) mà căn cứ vào doanh thu bình quân tháng. Theo đó, mức doanh thu bình quân được áp dụng là 1,67 tỷ/tháng.
-Thuế suất 20% sẽ không áp dụng với các khoản thu nhập sau:

  • Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản (trừ thu nhập từ đầu tư kinh doanh NOXH), thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư, quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò khai thác khoáng sản; thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh ngoài Việt Nam.
  • Thu nhập từ hoạt động tìm kiếm thăm dò khai thác dầu, khí, tài nguyên quý hiếm; thu nhập từ hoạt động khai thác khoáng sản.
  • Thu nhập từ kinh doanh dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
  • Cách tính thuế TNDN, GTGT đối với các dự án nhà ở xã hội (NOXH):

-  Mức thuế TNDN 10% được áp dụng với tất cả các khoản thu nhập của hoạt động bán, cho thuê, thuê mua NOXH phát sinh từ ngày 1/7/2013, không phân biệt thời điểm ký hợp đồng. DN được áp dụng mức thuế suất ưu đãi là DN thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và nộp thuế theo kê khai.
-  Đối với thuế GTGT việc áp dụng mức thuế suất 5% sẽ có đôi chút khác biệt giữa hoạt động bán, cho thuê mua và hoạt động cho thuê:
-  Bán, cho thuê mua NOXH: mức thuế suất 5% áp dụng cho các hợp đồng được ký từ ngày 1/7/2013. Với các hợp đồng được ký trước ngày 1/7/2013, phần tiền thanh toán từ ngày 1/7/2013 cũng được áp dụng mức thuế suất này.
-  Cho thuê NOXH: mức thuế suất 5% sẽ áp dụng cho các khoản tiền thu được từ ngày 1/7/2013 (kể cả khoản tiền thu trước cho nhiều kỳ), trường hợp DN chưa nhận được tiền thuê từ ngày 1/7/2013 thì sẽ căn cứ theo thời điểm xuất hóa đơn.

 (Nguồn: Tổng cục thuế; Tải văn bản đầy đủ tại đây hoặc xem chi tiết tại đây)

   IV.     Các khoản thu nhập được miễn thuế

Theo Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân, từ ngày 1/10, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng; mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.
Theo Thông tư, các khoản thu nhập được miễn thuế bao gồm:

  • Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; bố vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau.
  • Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
  • Thu nhập từ giá trị quyền sử dụng đất của cá nhân được Nhà nước giao đất không phải trả tiền hoặc được giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
  • Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội, ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau.
  • Thu nhập từ chuyển đổi đất nông nghiệp để hợp lý hoá sản xuất nông nghiệp nhưng không làm thay đổi mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, được Nhà nước giao để sản xuất.
  • Thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế thông thường chưa chế biến thành sản phẩm khác.
  • Thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ.
  • Thu nhập từ kiều hối được miễn thuế là khoản tiền cá nhân nhận được từ nước ngoài do thân nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người Việt Nam đi lao động, công tác, học tập tại nước ngoài gửi tiền về cho thân nhân ở trong nước.
  • Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động.
  • Tiền lương hưu do Quỹ bảo hiểm xã hội trả theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; tiền lương hưu nhận được hàng tháng từ Quỹ hưu trí tự nguyện.
  • Thu nhập từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; tiền bồi thường tai nạn lao động; tiền bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các khoản bồi thường Nhà nước và các khoản bồi thường khác theo quy định của pháp luật về bồi thường Nhà nước.
  • Thu nhập nhận được từ các quỹ từ thiện được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hoặc công nhận, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, khuyến học không nhằm mục đích thu lợi nhuận.
  • Thu nhập nhận được từ các nguồn viện trợ của nước ngoài vì mục đích từ thiện, nhân đạo dưới hình thức Chính phủ và phi Chính phủ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
  • Bên cạnh đó, nguyên tắc tính giảm trừ gia cảnh, người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh thì tại một thời điểm (tính đủ theo tháng) người nộp thuế lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi.
  • Đối với người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 01 hoặc từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam trong năm tính thuế (được tính đủ theo tháng). 
  • Trường hợp trong năm tính thuế cá nhân chưa giảm trừ cho bản thân hoặc giảm trừ cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được giảm trừ đủ 12 tháng khi thực hiện quyết toán thuế theo quy định.
  • Giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, người nộp thuế được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế.
  • Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì người nộp thuế tự thoả thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2013.

(Nguồn: tapchithue; Tải văn bản đầy đủ Thông tư số 111/2013/TT-BTC, Nghị định số 65/2013/NĐ-CP hoặc xem chi tiết tại đây)

    V.  Điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi một số mặt hàng thuộc nhóm 2707, 2902 và 3902

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 107/2013/TT-BTC, sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 2707, 2902 và 3902 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

  • Theo đó, các mặt hàng sửa đổi thuế suất được quy định tại Phụ lục II Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành tại Thông tư số 193/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính về việc ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
  • Cụ thể, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của mặt hàng Benzen (mã 2707.10.00), Xylen (mã 2707.30.00) thuộc nhóm dầu và các sản phẩm khác từ chưng cất hắc ín than đá ở nhiệt độ cao, các sản phẩm tương tự có khối lượng cấu tử thơm lớn hơn cấu tử không thơm; mặt hàng Benzen (2902.20.00), p-Xylen (mã 2902.43.00) thuộc nhóm Hydrocacbon mạch vòng đều đang được áp thuế nhập khẩu 0% sẽ được điều chỉnh thành 1% năm 2013, 2% năm 2014 và 2015. Từ năm 2016 trở đi, các mặt hàng này chịu thuế suất 3%.
  • Trong khi đó, mặt hàng Polypropylen dạng phân tán (mã 3902.10.30) và loại khác (mã 3902.10.90) thuộc nhóm Polyme từ propylen hoặc từ các olefin khác, dạng nguyên sinh sẽ tiếp tục được áp thuế nhập khẩu 0% trong năm 2013. Mức thuế suất thuế nhập khẩu 2 mặt hàng này sẽ tăng lên 1% năm 2014, 2% năm 2015 và 3% từ năm 2016 trở đi.

Các mức thuế suất mới sẽ chính thức áp dụng từ 26/9/2013.

(Nguồn: taichinhdientu; Tải văn bản đầy đủ tại đây hoặc xem chi tiết tại đây)

VI.     Một số điểm cần lưu ý về hóa đơn theo Thông tư 64

Thông tư 64/2013/TT-BTC đã có hiệu lực từ ngày 01/7, tức gần 2 tháng, nhưng nhiều tổ chức cá nhân vẫn chưa nắm được những quy định mới của Thông tư này so với quy định cũ tại Thông tư 153/2010/TT-BTC.

  • Về hóa đơn tự in

-  Đơn vị sự nghiệp công lập có thể tự in hóa đơn hoặc mua của cơ quan thuế.
-  Ngân hàng, tổ chức tín dụng sử dụng chứng từ giao dịch kiêm hóa đơn dịch vụ thu phí tự in phải gửi thông báo phát hành kèm hóa đơn mẫu tới cơ quan thuế, không phải đăng ký trước số lượng phát hành.

  • Hóa đơn đối với với các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu

-  Điểm mới quy định tại tiết c khoản 1 Điều 4 Thông tư 64 (mà Thông tư số 153/2010/TT-BTC trước đây không nêu) quy định về nội dung trên hoá đơn đã lập đối với các loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ quan có thẩm quyền thì tổ chức, cá nhân kinh doanh các loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ quan có thẩm quyền tạo, phát hành hoá đơn có từ 3 liên trở lên, trong đó giao cho người mua 2 liên: liên 2 “giao cho người mua” và một liên dùng để đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định của pháp luật.
-  Các loại hàng hoá cần phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu thì phải ghi trên hoá đơn các loại số hiệu, ký hiệu đặc trưng của hàng hoá mà khi đăng ký pháp luật có yêu cầu. Ví dụ: số khung, số máy của ô tô, mô tô; địa chỉ, cấp nhà, chiều dài, chiều rộng, số tầng của ngôi nhà hoặc căn hộ…

  • Quy định về đối tượng được tạo hoá đơn:

Theo quy định mới tại tiết a khoản 1 Điều 6 Thông tư 64 quy định:
-  Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ từ một (01) tỷ đồng trở lên tính theo số vốn đã thực góp đến thời điểm thông báo phát hành hóa đơn. (Quy định cũ tại Thông tư 153 thì Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ từ năm (05) tỷ đồng trở lên tính theo số vốn đã thực góp đến thời điểm thông báo phát hành hóa đơn).
-  Tại tiết b khoản 1 Điều 6 Thông tư 64 quy định mới nâng mức không bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế mà tổng số tiền vi phạm pháp luật về thuế dưới 50 triệu đồng (Thông tư 153 quy định là dưới 20 triệu đồng)

  • Quy định về phát hành hoá đơn.

Tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 64 bổ sung quy định về nội dung thông báo phát hành hoá đơn (Thông tư 153 chỉ quy định đối với trường hợp khi có sự thay đổi địa chỉ kinh doanh) như sau:
-Bổ sung nội dung: tên và mã số thuế của tổ chức cung ứng phần mềm tự in hoá đơn (đối với hoá đơn tự in), tên và mã số thuế của tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hoá đơn điện tử (đối với hoá đơn điện tử).
-Đối với các số hoá đơn đã đặt in nhưng chưa sử dụng hết có in sẵn tên, địa chỉ trên tờ hoá đơn, khi có sự thay đổi tên, địa chỉ nhưng không thay đổi mã số thuế và cơ quan thuế quản lý trực tiếp, nếu tổ chức, hộ và cá nhân kinh doanh vẫn có nhu cầu sử dụng hoá đơn đã đặt in thì thực hiện đóng dấu tên, địa chỉ mới vào bên cạnh tiêu thức tên, địa chỉ đã in sẵn để tiếp tục sử dụng và gửi thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hoá đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

  • Thời hạn nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn

Nếu Thông tư số 153 không quy định thời gian cụ thể ngày nộp chậm nhất, thì theo quy định tại Điều 25 của Thông tư 64 đã quy định: hàng quý, tổ chức, hộ, cá nhân bán hàng hoá, dịch vụ (trừ đối tượng được cơ quan thuế cấp hóa đơn) có trách nhiệm nộp báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp thời gian quy định như sau:
-  Quý I thời gian nộp chậm nhất ngày 30/4;
-  Quý II thời gian nộp chậm nhất ngày 30/7;
-  Quý III thời gian nộp chậm nhất ngày 30/10;
-  Quý IV thời gian nộp chậm nhất ngày 30/01 của năm sau.

  • Sử dụng loại hóa đơn:

-  Tiếp tục sử dụng hóa đơn khi có thay đổi tên, địa chỉ:

  • Trường hợp thay đổi tên, địa chỉ nhưng không thay đổi mã số thuế và cơ quan thuế quản lý trực tiếp thì thực hiện đóng dấu tên,địa chỉ mới vào bên cạnh tiêu thức tên và địa chỉ in sẵn và gửi thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành đến cơ quan thuế (theo mẫu 3.13).
  • Trường hợp thay đổi địa chỉ dẫn đến thay đổi cơ quan quản lý thuế thì đóng dấu địa chỉ mới lên hóa đơn, gửi bảng kê hóa đơn chưa sử dụng (mẩu 3.10) và gửi thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành đến cơ quan thuế nơi chuyển đến.
  • Hóa đơn mẫu sử dụng trong trường hợp này là số hóa đơn đầu tiên sử dụng theo tên và địa chỉ mới, gạch bỏ số thứ tự đã in sẵn và đóng chữ “Mẫu”. Các hóa đơn mẫu này không kê khai vào số lượng phát hành tại thông báo phát hành hóa đơn.

-  Thông báo phát hành hóa đơn

  • Kể từ ngày 1/7/2013, sau khi thông báo phát hành 5 ngày mới được sử dụng hóa đơn (Bỏ hiệu lực của công văn số 4271/BCT-TCT).
  • Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được thông báo phát hành, nếu phát hiện sai, cơ quan thuế phải có văn bản thông báo cho tổ chức, hộ cá nhân biết.
  • Khi cơ quan thuế và cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu xác nhận hóa đơn đã phát hành, tổ chức, hộ cá nhân in, phát hành hóa đơn phải có nghĩa vụ trả lời bằng văn bản trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu.
  • Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn

-  Được nộp theo hồ sơ khai thuế hàng quý theo mẫu số 3.9 Phụ lục 3 ban hành kèm theoThông tư .
-  Hóa đơn thu cước dịch vụ viễn thông, hóa đơn tiền điện, hóa đơn tiền nước, hóa đơn thu phí dịch vụ của các ngân hàng, vé vận tải hành khách của các đơn vị vận tải, các loại tem, vé, thẻ và một số trường hợp khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính không phải báo cáo đến từng số hoá đơn mà báo cáo theo số lượng (tổng số) hoá đơn.
- Các loại hàng hoá, dịch vụ đặc thù như điện, nước,điện thoại, xăng dầu, bảo hiểm…được bán theo kỳ nhất định thì trên hoá đơn phải ghi cụ thể kỳ cung cấp hàng hoá, dịch vụ.
-  Cơ sở kinh doanh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của số lượng hoá đơn còn tồn đầu kỳ, tổng số đã sử dụng, tổng số xoá bỏ, mất, huỷ và phải đảm bảo cung cấp được số liệu hoá đơn chi tiết (từ số…đến số) khi cơ quan thuế yêu cầu. (Nguồn: thuvienphapluat)